TÍN DỤNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI – Ý ĐẢNG, LÒNG DÂN
Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) – “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”, với phương châm hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, đối tượng phục vụ của Ngân hàng là hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đây là đối tượng yếu thế trong xã hội cần được hỗ trợ để vươn lên trong cuộc sống.
Hình thức cho vay chủ yếu của Ngân hàng Chính sách xã hội là tín chấp được ủy thác thông qua các tổ chức chính trị xã hội (Hội Nông dân, Hội liên liệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh) và ủy nhiệm qua các Tổ Tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn từng khu phố/ấp/thôn…
Mô hình tổ chức quản trị của NHCSXH mang tính đặc thù, đáp ứng yêu cầu tập trung nguồn lực xã hội, tăng hiệu quả sử dụng vốn, thực hiện xã hội hóa hoạt động tín dụng chính sách xã hội, NHCSXH đã thực hiện phương thức quản lý tín dụng chính sách xã hội thông qua hình thức: Phân công, phân cấp trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong việc xác nhận đối tượng thụ hưởng chính sách; thực hiện dân chủ, công khai trong cộng đồng dân cư; kết hợp sự tham gia của 04 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác với vai trò giám sát xã hội và làm ủy thác một số nội dung công việc trong quy trình nghiệp vụ tín dụng chính sách. Đây là hướng đi đúng đắn, giúp cho việc chuyển tải nguồn vốn tín dụng đến đúng đối tượng thụ hưởng kịp thời, hiệu quả; đồng thời nâng cao vai trò quản lý Nhà nước, đặc biệt của chính quyền cấp xã.
Với cách thức hoạt động nghiệp vụ sáng tạo để phục vụ tốt nhất cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, NHCSXH quận Gò Vấp và quận Phú Nhuận đã tổ chức 22 điểm giao dịch tại phường trên địa bàn 02 quận là 307 Tổ tiết kiệm và vay vốn, hoạt động tại 100% phường với 12.125 lượt khách hàng vay vốn với số tiền cho vay là 725.538 triệu đồng.
Hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội đã khẳng định phương thức quản lý và mô hình tổ chức quản trị, điều hành, tác nghiệp của NHCSXH là hoàn toàn phù hợp với điều kiện thực tiễn của nước ta. Điều này được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đánh giá: “Chính sách tín dụng cho hộ nghèo là một trong những điểm sáng trong các chính sách giảm nghèo. Đây cũng là chính sách xây dựng mối liên kết tốt giữa Nhà nước thông qua NHCSXH với các tổ chức chính trị xã hội và người nghèo, phát huy được tính chủ động, nâng cao trách nhiệm của người nghèo với chính quyền cơ sở thông qua việc giữ mối liên hệ, hướng dẫn làm ăn, đôn đốc giải ngân, thu nợ của ngân hàng”.
Tín dụng chính sách xã hội còn tác động toàn diện đến mọi mặt của đời sống hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng của Đảng và Nhà nước, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ đến đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo và các đối tượng chính sách khác ngày càng được cải thiện; góp phần quan trọng vào mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định trật tự xã hội; tăng cường và củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
(Nguồn tin và hình ảnh: Ngân hàng Chính sách xã hội quận Gò Vấp)